Brand Finance (tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, trụ sở tại Anh) vừa công bố báo cáo “Thực phẩm và đồ uống toàn cầu năm 2023”. Bên cạnh giá trị và sức mạnh, yếu tố “phát triển bền vững” của thương hiệu là điểm nổi bật trong báo cáo năm nay, khi xu hướng này đang được đẩy mạnh trên phạm vi quốc tế.
Theo đó Brand Finance xếp hạng Vinamilk đứng thứ 5 trong top 10 về “Giá trị nhận thức về tính bền vững – SPV” với mức định lượng 253 triệu USD. Còn về điểm nhận thức về tính bền vững (tính trên thang điểm 10), doanh nghiệp sữa Việt đứng đầu top 10 đạt 5,75 điểm, vượt qua nhiều thương hiệu khác đến từ các quốc gia có ngành sữa phát triển như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản…
Cũng theo báo cáo trên, thương hiệu Vinamilk năm nay được định giá tăng 6% so với 2022 đạt 3 tỷ USD, tiếp tục duy trì thứ hạng 6 trong top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và top 2 thương hiệu mạnh toàn cầu của ngành sữa.
Trước đó, theo bảng xếp hạng “100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023” cũng do Brand Finance công bố, Vinamilk là doanh nghiệp dẫn đầu “Top 10 thương hiệu có tính bền vững cao” tại Việt Nam.
Ông Alex Haigh – đại diện Brand Finance khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận định Vinamilk đang hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero 2050) và liên tục đi đầu trong mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái tạo. Ngoài phạm vi môi trường, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng địa phương và khách hàng, nổi bật như chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam với hơn 42 triệu ly sữa đã được mang đến cho trẻ em Việt Nam.
“Hoạt động kinh doanh ổn định là minh chứng rõ ràng cho thấy các nỗ lực phát triển bền vững đang được đền đáp”, ông Alex Haigh nhấn mạnh.
Ông Lê Thành Liêm – Giám đốc điều hành Tài chính Vinamilk cho biết giảm thiểu phát thải khí carbon và sản phẩm dẫn dắt tiêu thụ có trách nhiệm là hai trong số nhiều khía cạnh thuộc phát triển bền vững mà công ty đang chú trọng. Người tiêu dùng là động lực buộc doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững. Khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường, lợi ích cộng đồng bên cạnh chất lượng sản phẩm và đưa ra yêu cầu ngày càng cao ở các sản phẩm xanh…
“Điều này là thách thức nhưng sẽ là động lực lớn nhất cho chúng tôi phát triển theo hướng bền vững hơn”, ông Liêm nói.
Trong giai đoạn chiến lược 2022-2026, Vinamilk đã công bố phát triển bền vững trở thành một trong bốn mũi nhọn chiến lược và chương trình hành động, cùng lộ trình tiến đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đây cũng chính là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có cả nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn Pas 2060:2014. Nhà máy sữa Nghệ An và trang trại bò sữa Nghệ An là hai đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn này.
Vinamilk đầu tư cho tính bền vững của doanh nghiệp nói chung và thương hiệu nói riêng theo một quá trình chứ không chỉ là nhất thời trong ngắn hạn. Từ năm 2012, doanh nghiệp này đã phát hành Báo cáo Phát triển bền vững theo các chuẩn mực thế giới và có bên thứ ba kiểm toán. Đây cũng là thời điểm Vinamilk triển khai hàng loạt dự án phát triển bền vững mà đến nay đã mang lại kết quả tích cực như “Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam”, triển khai năng lượng mặt trời, năng lượng xanh cho toàn bộ trang trại và nhà máy…
Trong năm nay, ông lớn ngành sữa Việt Nam cũng triển khai hàng loạt dự án mới để thúc đẩy tiến trình này như “Trồng cây hướng đến Net Zero” (phối hợp cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường); “Cánh rừng Net Zero Vinamilk Đất mũi Cà Mau”; hoàn tất thực hiện kiểm kê đo lường khí nhà kính tại nhà máy, trang trại; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có yếu tố xanh, bền vững…
Các hoạt động này đã góp phần đưa các thông điệp về phát triển bền vững từ doanh nghiệp đến với chính nhân viên, người tiêu dùng và lan tỏa rộng hơn ra cộng đồng, góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững phát triển.
Hoàng Anh