Hôm 30/8, hãng bất động sản Trung Quốc Country Garden cho biết có kế hoạch phát hành 350 triệu cổ phiếu với giá 0,77 đôla Hong Kong (0,1 USD). Tổng giá trị số cổ phiếu là 270 triệu HKD (34,4 triệu USD).
Country Garden sẽ không nhận tiền từ giao dịch này. Thay vào đó, chúng sẽ được dùng để trả cho chủ nợ của họ là Kingboard Holdings – một hãng sản xuất nhựa tổng hợp ở Hong Kong (Trung Quốc).
Động thái trên cho thấy nỗ lực mới nhất của Country Garden nhằm huy động tiền và trấn an nhà đầu tư. Năm ngoái, họ là hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh số.
Rắc rối tài chính của Country Garden trở thành tâm điểm gần đây. Hồi đầu tháng, họ lỡ hạn thanh toán lãi suất hai lô trái phiếu trị giá 22,5 triệu USD. Nhà đầu tư lo ngại nếu vỡ nợ, Country Garden sẽ giáng thêm đòn vào niềm tin vốn đang mong manh của nhà đầu tư. Việc này lại diễn ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc nỗ lực giải cứu bất động sản – chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế nước này.
Vài tuần trước, Country Garden thông báo sẽ ngừng giao dịch 11 lô trái phiếu trong nước kể từ ngày 14/8. Khi đó, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin Country Garden chuẩn bị tái cấu trúc nợ. Chỉ riêng tháng 9, Country Garden cần phải trả hơn 9 tỷ nhân dân tệ (1,25 tỷ USD) trái phiếu nội địa.
Tuần trước, công ty này dời thời hạn biểu quyết cho các trái chủ từ 25/8 sang 31/8. Họ sẽ phải bỏ phiếu về kế hoạch gia hạn trả nợ 3,9 tỷ nhân dân tệ trái phiếu của Country Garden.
Đầu tuần này, Country Garden cho biết dự án 100 tỷ USD của họ tại Malaysia “vẫn đang hoạt động bình thường”. Đây là dự án lớn nhất của họ tại nước ngoài. Country Garden khẳng định hoạt động của mình tại đây “vẫn an toàn và ổn định”. Thông báo này, cùng việc Trung Quốc công bố chính sách hỗ trợ bất động sản, đã giúp cổ phiếu Country Garden tăng giá tại Hong Kong.
Hãng hôm nay dự kiến công bố lợi nhuận nửa đầu năm. Nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo chi tiết về dòng tiền và cách công ty này đối mặt với vấn đề nợ nần.
Country Garden là hãng bất động sản lớn nhất tồn tại được trong khủng hoảng địa ốc Trung Quốc. Hôm 10/8, họ thừa nhận đang đối mặt với “khó khăn lớn nhất” từ khi thành lập năm 1992, do doanh số lao dốc và môi trường tín dụng bị thắt chặt. Hãng dự báo lỗ 6,2-7,6 tỷ USD nửa đầu năm nay.
Bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021. Nguyên nhân được cho là chính sách “ba lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các hãng địa ốc. China Evergrande Group trở thành tâm điểm năm 2021 khi nhiều lần lỡ hạn thanh toán trái phiếu. Họ hiện vẫn là hãng bất động sản nặng nợ nhất thế giới, với khối nợ hơn 300 tỷ USD nợ.
Hà Thu (theo Bloomberg)