Giảm phát là khi giá hàng hóa, dịch vụ liên tục giảm và trên quy mô lớn. Nhật Bản nhiều năm rơi vào tình trạng này – điều không tích cực với nền kinh tế. Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu vì kỳ vọng giá giảm thêm, các vấn đề kinh tế sẽ càng trầm trọng.
Từ đầu năm 2022, Nhật Bản đã chứng kiến giá và lương tăng trên quy mô lớn. “Những thay đổi như vậy cho thấy nền kinh tế đang đến bước ngoặt sau 25 năm chống giảm phát. Cơ hội thoát giảm phát có thể đang mở ra”, chính phủ Nhật Bản cho biết trong một báo cáo hôm 29/8. Đây là tín hiệu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sắp chấm dứt thời kỳ tăng trưởng trì trệ kéo dài.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng tỏ ra lạc quan tương tự. BOJ cho biết hành vi thiết lập giá và lương của các doanh nghiệp đang thay đổi. Việc này có thể mở đường cho giảm hỗ trợ tài khóa và tiền tệ khổng lồ của nước này.
Trong báo cáo năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cho biết lạm phát vẫn ở mức khiêm tốn, trừ các mặt hàng liên quan đến lương thực và năng lượng.
Sự thay đổi trong bình luận liên quan đến rủi ro giảm phát cho thấy sự chuyển biến về ưu tiên của chính phủ Nhật Bản. Giá hàng hóa tăng và thị trường lao động thắt chặt đang đẩy lạm phát lên cao, khiến người dân lo ngại chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Lạm phát lõi (không tính giá nhiên liệu và lương thực thường xuyên biến động) của Nhật Bản đã lên 4,2% trong tháng 1. Đây là mức cao nhất 4 thập kỷ. Đến nay, lạm phát lõi đã cao hơn mục tiêu 2% của chính phủ Nhật Bản trong 16 tháng liên tiếp, khi chi phí nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp tăng.
Năm nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra mức lương cao nhất 3 thập kỷ. Việc này cho thấy đã đến lúc giới chức cân nhắc rút chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo áp dụng hàng chục năm qua.
Kể từ khi thông báo rơi vào giảm phát năm 2001, chính phủ Nhật Bản vẫn luôn ưu tiên chấm dứt tình trạng giá giảm. Nhiều năm qua, họ nới lỏng tài khóa mạnh tay, đồng thời yêu cầu BOJ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo để hỗ trợ nền kinh tế.
Dù vậy, chính phủ Nhật Bản chưa chính thức tuyên bố giảm phát chấm dứt. Mức tăng giá trong ngành dịch vụ “vẫn thấp”. “Khi đánh giá xu hướng lạm phát, điều quan trọng là nhìn vào giá dịch vụ. Vì chúng phản ánh nhu cầu nội địa và mức lương rõ rệt hơn là giá hàng hóa”, báo cáo viết.
Không chỉ giá giảm, họ còn cần tín hiệu chắc chắn rằng Nhật Bản sẽ không quay về giảm phát lần nữa.
“Chúng ta cần gỡ bỏ quan điểm giảm phát đã ăn sâu vào tư tưởng của các hộ gia đình và doanh nghiệp”, báo cáo cho biết. Các tác giả cho rằng chính phủ Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ với BOJ để đạt tăng trưởng lương bền vững.
Hà Thu (theo Reuters)